KINH NGHIỆM DU LỊCH ĐIỆN BIÊN

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờcát).Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.

 

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Trong Bang, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Viên, Hachi8 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi .

 

Vào khoảng thế kỷ thứ  6, thứ 7 ở vùng Vân Nam (Trung Quốc), quốc gia Nam Chiếu ra đời. Những cuộc tranh chấp giữa Nam Chiếu và các tộc người khác thường diễn ra sau đó, đã làm cho cả vùng Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương bất ổn định. Thời kỳ này đất Mường Thanh cũng trải qua nhiều biến động lớn. Thế kỷ 11-12, người Thái đen theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn… và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên). Mường Thanh cổ còn có tên gọi là Song Thanh vì có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hét (hay Noong Hẹt) ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hét đến cuối sông Nậm Rốm.

 

Sang tới thế kỷ 15 (năm 1463) trấn Hưng Hóa được thành lập (bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây). Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu. Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ). Thời Pháp thuộc, Hưng Hóa được chia thành các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ.  Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Điện Biên tức là miền biên cương vững chãi của tổ quốc, Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.

 

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta với sự kiện tấn công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, nhưng phải đến năm 1890 thực dân Pháp mới đặt được ách cai trị ở Lai Châu (bao gồm Điện Biên và Lai Châu ngày nay). Lai Châu trừ Phong Thổ thuộc Đạo quan binh thứ Tư, trực tiếp nằm trong khu quân sự Vạn Bỳ. Trong suốt thời gian dài thống trị Lai Châu thực dân Pháp đặt Điện Biên dưới chế độ quân quản, đứng đầu châu Điện Biên là một võ quan. Ngày 7/5/1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam chính thức giành được độc lập từ tay thực dân Pháp.

 

Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lập trong phạm vi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khu vực tự trị của các dân tộc ở Tây Bắc, gọi là Khu tự trị Thái – Mèo.

 

Ngày 27 tháng 9 năm 1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II đã quyết định thành lập lại 3 tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Sìn Hồ và Phong Thổ và thị trấn Lai Châu. Khu tự trị lúc đó có diện tích 67.300 km², với số dân 438.000 người.

 

Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên.  Điện Biên mới, giàu và đẹp hơn. ỉnh Điện Biên sau khi chia tách là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 504km về phía Tây. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu mới, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Lào.

 

Nên đi du lịch Điện Biên vào thời gian nào

  • Lên Điện Biên vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 để hòa mình và chung vui cùng người dân Điện Biên trong dịp đặc biệt này
  • Đi vào khoảng tháng 3 dương lịch là mùa hoa Ban nở trắng trời Tây Bắc
  • Tháng 12 dương lịch, đoạn đường Quốc lộ 6 đi Điện Biên hoa dã quỳ nở vàng rực 2 bên đường
  • Đi vào khoảng tháng 8-9 để kết hợp đi ngắm lúa ở một số vùng khác.
  • Đi vào tháng 11 để kết hợp đi ngắm hoa cải ở Mộc Châu

Phương tiện đi và đến Điện Biên

Đường bộ

Xe giường nằm đi Điện Biên chạy hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình, thời gian xe chạy vào khoảng 12-13 tiếng. Đi bằng xe giường nằm có một lợi thế nữa là có thể gửi xe máy kèm theo. Nếu không thích đi bằng ô tô các bạn cũng có thể lập lịch trình đi xe máy thẳng từ Hà Nội lên Điện Biên, với chặng đường khoảng 500km bạn sẽ mất nguyên một ngày để di chuyển thẳng.

Đường hàng không

Hiện tại Vietnam Airlines là hãng duy nhất khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên, máy bay sử dụng cho đường bay này là ATR 72. Giá vé khứ hồi vào khoảng 2800k.

Khách sạn nhà nghỉ tại Điện Biên

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 94 khách sạn nhà nghỉ đang hoạt động với gần 1400 phòng. Có 7 cơ sở đạt chuẩn từ 1-4 sao. Phần lớn các cơ sở lưu trú còn lại đều đạt chuẩn để có thể phục vụ du khách, chính vì vậy các bạn có khá nhiều sự lựa chọn khi đến du lịch tại Điện Biên

Các địa điểm du lịch tại Điện Biên

Du lịch ở Điện Biên có tính truyền đạt nhận thức nhiều hơn là hưởng thụ giải trí. Mục đích của khách du lịch đến Điện Biên chủ yếu là thăm lại chiến trường xưa, kiểm chứng lại những nhận thức của mình về các tài nguyên du lịch nhân văn để làm giàu thêm vốn kiến thức của mình. Khách du lịch đến Điện Biên hầu hết đều có các ý niệm, hiểu biết trước và chí ít cũng nghe tên và muốn tìm hiểu về Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên còn có rất nhiều các di tích mang đậm dấu ấn lịch sử hào hùng trong quá khứ và những danh lam thắng cảnh có thể làm hài lòng cả những du khách khó tính nhất như: Thành Bản Phủ- du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng như: suối khoáng nóng Uva, Pe Luông, bản Sáng; du lịch vãn cảnh như: động Pa Thơm, hồ Pa Khoang, Tháp Mường Luân, Chiềng Sơ, Huổi Phạ, Hồng Khếnh…,hoặc quý khách có thể đi du lịch mạo hiểm qua việc khám phá rừng nguyên sinh ở Mường Nhé…

Một số điểm du lịch nổi tiếng tại Điện Biên như sau : 

  • Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
  • Suối nước nóng U Va
  • Suối nước nóng Hua Pe
  • Cánh đồng Mường Thanh
  • Thành Bản Phủ
  • Hồ Pá Khoang
  • Vườn Anh Đào Mường Phăng
  • Ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Cực Tây Tổ quốc A Pa Chải
  • Đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo Miền Bắc
  • Cầu Hang Tôm, cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc
  • Thị xã Mường Lay
  • Du lịch cộng đồng Bản Mển
  • Chợ phiên Xá Nhè
  • Tháp Chiềng Sơ
  • Động Pa Thơm
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Không quá phong phú trong chủng loại nhưng các món ăn ở Điện Biên cực kì độc đáo, có một không hai khiến du khách đến từ đâu cũng sẽ hài lòng. Có thể kể tên một vài món ngon và đặc sản của đất Điện Biên như :

  • Gạo tám Điện Biên
  • Gà đen Tủa Chùa
  • Rau hoa ban
  • Chè tuyết san Tủa Chùa
  • Rượu sâu chít
  • Xôi nếp nương
  • Xôi chim Mường Thanh
  • Bắp cải cuốn nhót xanh
  • Thịt lợn xay hấp lá chuối

Tiềm năng văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên cũng là thế mạnh nổi trội để phát triển du lịch với lịch sử hình thành lâu đời, cùng 21 dân tộc anh em sinh sống. Điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lễ hội của đồng bào các dân tộc. Với các lễ hội hết sức điển hình như Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào dịp ngày 24 và 25 tháng 2 âm lịch hàng năm để nhân dân và khách thập phương tới tham quan, tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất cùng hai thủ lĩnh người địa phương là tướng Ngải và tướng Khanh đã lãnh đạo nhân dân khời nghĩa thành công đánh đuổi ngoại bang. Đây là lễ hội hết sức đặc sắc thể hiện khối đại đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược, các dân tộc bảo vệ vùng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc. Nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh của du khách bốn phương.

Bên cạnh đó có rất nhiều các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Người Thái có các nghi lễ nông nghiệp trong năm như: đón tiếng sấm đầu mùa, lễ cơm mới, lễ cúng ruộng, cúng nước, lễ cầu mưa… Và tổ chức nhiều cuộc vui chơi, giải trí ít nhiều đượm màu sắc tôn giáo. Trong đó nổi bật là lễ Xên bản nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân được ấm no, hạnh phúc… Hằng năm khi mùa xuân – mùa của sự sống đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa ban nở và cũng là lúc bắt đầu vào một vụ mới cũng là lúc làm lễ Xên bản. Trong lễ hội này, ngoài phần lễ thể hiện tín ngưỡng tâm linh và ước mong cầu mùa, cầu an thì đây cũng là dịp để bà con trong bản cùng vui chơi, ca hát với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, với những điệu xòe, điệu sạp đầy mê say và rộn rã tiếng cười… Ngoài ra người Thái còn có nhiều lễ hội điển hình khác như: Xên phắn bẻ (chém đầu dê), Kin Pang Then (cúng trời); Kin khúi (giải hạn)….

Chợ phiên vùng cao Điện Biên

Đến Điện Biên, du khách không nên bỏ qua một điểm du lịch mang đậm sắc màu vùng cao, đó là những buổi chợ phiên. Tại các phiên chợ ở huyện Tủa Chùa, du khách sẽ không gặp cảnh mời chào, chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ. Họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Tủa Chùa có 3 chợ chính: Mường Báng, Xá Nhè, Tả Sìn Thàng. Trong không khí nhộn nhịp chợ phiên, chẳng biết tự bao giờ các đôi trai gái đã tìm thấy nhau. Họ đã dùng khèn lá, khèn môi, tiếng sáo gửi tình cảm, thả lời tỏ tình, làm quen với nhau. Họ tặng cho nhau những chiếc vòng tay, chiếc gương làm tin. Từ những buổi gặp ở chợ xuân này đã có biết bao chàng trai, cô gái thành vợ, thành chồng.

 

Trả lời